• Hôi miệng
  • Chỉnh nha
  • Máy tăm nước
  • Bàn chải điện

Nhận Biết Và Điều Trị Kịp Thời Sâu Răng Ở Trẻ Em

Chuyên Gia Răng Miệng 08/08/2022

✔️ Cố vấn chuyên môn: TS Y Khoa trẻ tuổi nhất Việt nam ( Dưới 30 tuổi)
cusArticle-featureImage
Sâu răng trẻ em là một trong những bệnh lý răng miệng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ hiện nay. Bệnh khiến bé bị đau răng, khó chịu, bực dọc và biếng ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.

Bố mẹ cần quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con và có biện pháp phòng ngừa bệnh sâu răng ở trẻ em ngay từ ban đầu.

1. Bệnh sâu răng ở trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?

Sâu răng là tình trạng men răng bị phá vỡ, mô cứng của răng bị tổn thương, do vi khuẩn trong khoang miệng sản sinh ra axit tác động đến men răng, hình thành các lỗ sâu trên răng. Vì vậy, sâu răng được xem là một bệnh nhiễm khuẩn.

Tình trạng sâu răng ở trẻ trong những năm trở lại đây rất phổ biến và ngày càng gia tăng lên mức báo động với ước tính khoảng 85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa. Bởi vì lớp men và ngà ở răng sữa của trẻ còn mỏng và nhạy cảm, do đó răng sữa của trẻ có nhiều khả năng bị sâu và tốc độ phát triển cũng nhanh hơn răng người trưởng thành.

 

bệnh lý sâu răng ở trẻ em đang ngày càng phổ biến và gia tăng
Bệnh lý sâu răng trẻ em rất phổ biến và ngày càng gia tăng

Vậy trẻ em bị sâu răng có nguy hiểm không? Nếu không phát hiện và điều trị những lỗ sâu nhỏ kịp thời thì sâu răng có thể biến chứng nặng hơn gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: 

  • Răng đau nhức, ê buốt gây khó chịu trong ăn uống, làm trẻ biếng ăn, sụt cân hoặc ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và sự phát triển của cơ thể trẻ sau này.

  • Sâu răng kéo dài gây hỏng răng và rụng răng sữa sớm, ảnh hưởng xấu đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của bé.

  • Gây tổn thương đến tủy răng khiến trẻ bị đau đớn kéo dài và lâu dần có thể tiến triển thành bệnh viêm tủy răng, nặng hơn nữa là hoại tử tủy hoặc chết tủy.

  • Biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm như: Viêm xoang hàm, áp-xe răng (mủ trong răng), viêm hạch, viêm tủy xương,...buộc phải điều trị trong thời gian dài và tốn kém. 

Xem Thêm: Bé Bị Ăn Mòn Chân Răng Phải Làm Sao?

 

Hiện tượng mất răng, tiêu xương ổ răng khi em bé sâu răng nặng
Sâu răng trẻ em gây mất răng, tiêu xương ổ răng và làm khuôn mặt mất cân đối

2. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết trẻ em bị sâu răng

Theo hướng dẫn của Bác sĩ CKI Nguyễn Huỳnh Ngọc Mỹ, nếu bố mẹ quan sát thấy răng miệng của trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau đây, thì khả năng cao là bé đã bị sâu răng:

  • Răng bé có sự thay đổi màu sắc ở một vài vùng, trắng nhưng không còn độ bóng. Lâu dần những đốm trắng chuyển dần sang màu nâu và đen.

  • Răng nhạy cảm, dễ ê buốt, đặc biệt khi có sự tác động của đồ ăn nóng, lạnh, chua.

  • Đau nhức, khó chịu khi nhai, cắn thức ăn.

  • Xuất hiện những cơn đau răng bất chợt, đặc biệt là khi về đêm.

  • Nướu răng bị sưng tấy, đau nhức.

  • Miệng có mùi hôi khó chịu.

  • Bé cáu gắt, biếng ăn hoặc lên cơn sốt.

 

Răng sâu trẻ em khiến bé đau nhức, khó ăn nhai
Sâu răng trẻ em sẽ khiến bé đau nhức, khó ăn nhai

Bệnh sâu răng ở trẻ thường  tiến triển trong âm thầm và rất chậm, khó phát hiện ở giai đoạn mới chớm. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm hơn đến sức khỏe răng miệng của con và đưa bé đi nha sĩ kiểm tra răng miệng định kỳ.

Xem Thêm: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Sâu Răng Cho Trẻ 4 Tuổi

3. Những nguyên nhân khiến trẻ em sâu răng

3.1 Chăm sóc răng miệng không đúng cách

Vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng, không thường xuyên, không đúng cách sẽ làm cho mảng bám, vụn thức ăn thừa còn sót lại và tích tụ trên bề mặt răng, giữa các kẽ răng, trở thành môi trường trú ngụ cho vi khuẩn gây sâu răng hay các bệnh răng miệng khác như viêm lợi, viêm nha chu, hôi miệng,...

Theo thống kê của viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có đến 91% các bé không biết cách chăm sóc răng miệng. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn bé tận tình và giám sát quá trình vệ sinh răng miệng của trẻ.

3.2 Thói quen ăn uống

Trẻ em thường thích ăn vặt, đặc biệt là các loại đồ ngọt như: Bánh kẹo, nước ngọt, kem, nước ép,… Hàm lượng đường cao trong những thực phẩm này làm tăng nguy cơ gây sâu răng ở trẻ.

Đối với những bé còn bú bình thì việc ngậm bình sữa cả trong lúc ngủ cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho bé bị sâu ăn răng. Đường có trong sữa sẽ bám trên răng hàng giờ và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

 

Ăn nhiều đồ ngọt dễ khiến em bé sâu răng
Ăn nhiều đồ ngọt dễ khiến trẻ em sâu răng

3.3 Thiếu hụt Fluoride

Fluoride là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng, giúp củng cố men răng chắc khỏe, phục hồi những tổn thương ở giai đoạn đầu và bảo vệ răng miệng vượt trội. Nếu trẻ bị thiếu hụt Fluoride thì răng sẽ yếu hơn, có nguy cơ bị sâu cao hơn hoặc có thể bị tụt nướu.

3.4 Yếu tố di truyền

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nếu bố mẹ mắc bệnh sâu răng hoặc men răng yếu thì con sinh ra sẽ dễ gặp phải các khiếm khuyết răng miệng, răng không được chắc khỏe và có nguy cơ cao bị sâu răng.

3.5 Một số yếu tố khác

  • Răng sữa của trẻ có mức độ oxi hóa canxi chưa ổn định, lớp men răng mỏng.

  • Mẹ bầu ăn uống không đủ chất, đặc biệt là Canxi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé.

  • Vị trí mọc của răng lệch lạc, chen chúc làm tăng khả năng lưu giữ mảng bám, thức ăn dễ bị mắc lại.

  • Hình thể răng có hố rãnh sâu gây khó khăn cho việc làm sạch, mảng bám dễ bị tích tụ lại.

4. Điều trị sâu răng cho bé như thế nào?

Khi em bé bị sâu răng sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn tâm lý của trẻ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể lây lan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

Cách tốt nhất là bố mẹ nên đưa trẻ đến nha khoa, để bác sĩ thăm khám và đưa ra phương án điều trị phù hợp với độ tuổi, cũng như tình trạng răng của bé.

4.1 Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi

Ở độ tuổi này, răng miệng của bé còn non nớt, nhạy cảm và chỉ mọc các răng sữa. Nên bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị như sau:

  • Ở mức độ sâu răng nhẹ: Bác sĩ tiến hành làm sạch vết sâu để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Sau đó sẽ bôi lớp gel Fluoride hay quét lên răng của bé một lớp thuốc để bịt kín chỗ bị sâu, ngăn không cho sâu răng quay trở lại.

  • Nếu sâu răng nặng và ăn vào tủy: Bác sĩ sẽ khử trùng và xử lý tủy răng, rồi trám chỗ sâu răng lại.

  • Trong trường hợp tệ nhất là chân răng sữa đã hư hại gần như hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng, để tránh ảnh hưởng xấu đến các răng bên cạnh.

 

Trám răng là phương pháp thường được thực hiện để điều trị sâu răng trẻ em
Trám răng là phương pháp thường được thực hiện để điều trị sâu răng trẻ em

4.2 Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi

Trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Vì vậy, bác sĩ phải tiến hành điều trị và bảo tồn răng một cách tốt nhất. Bởi một khi răng vĩnh viễn mất đi thì không thể phục hồi lại được nữa.

Trám răng là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định, để ngăn chặn sâu răng tiến triển nặng hơn. Đầu tiên, bác sĩ sẽ nạo sạch vết sâu hoặc phần tủy răng bị viêm, rồi tiến hành trám bít kín lỗ sâu bằng vật liệu chuyên dụng. Để bảo vệ răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn.

Sau khi trám răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng và chế độ ăn uống khoa học. Để phòng ngừa sâu răng trở lại và ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn.

Xem Thêm: Bé Bị Đau Răng Phải Làm Sao?

5. Những biện pháp phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Để hạn chế tình trạng sâu răng cho trẻ, phụ huynh có thể hoàn toàn giúp con phòng ngừa ngay từ ban đầu bằng những biện pháp sau:

 

Phòng ngừa sâu răng sớm sẽ tránh được nhiều biến chứng khôn lường
Phòng ngừa sâu răng sớm sẽ tránh được nhiều biến chứng khôn lường
  • Đối với trẻ chưa mọc răng: Lau sạch nướu cho bé bằng miếng gạc/ khăn bông sạch hoặc dụng cụ rơ miệng sau khi cho bé bú hoặc ăn. Bố mẹ cũng cần lưu ý không nên cho bé vừa ngủ vừa bú bình.

  • Bố mẹ cần chải răng cho bé ngay khi bé mọc chiếc răng đầu tiên, dùng bản chải lông mềm loại dành riêng cho trẻ nhỏ.

  • Khi trẻ đã có thể tự đánh răng, bố mẹ cần hướng dẫn và giám sát bé vệ sinh răng đúng cách, đồng thời tạo thói quen cho bé đánh răng 2 lần/ngày và uống nước sau mỗi bữa ăn.

  • Chọn kem đánh răng có chứa Fluoride phù hợp với độ tuổi: Trẻ dưới 3 tuổi thường nuốt kem đánh răng nên được khuyến cáo không dùng kem có chứa Fluoride. Trẻ từ 3 - 6 tuổi chỉ dùng kem có chứa lượng Fluoride 200 - 500ppm. Trẻ 6 - 11 tuổi dùng kem đánh răng chứa lượng Fluoride tối đa là 1000ppm. Từ 12 tuổi trở lên có thể dùng kem như người lớn.

  • Hạn chế thực phẩm nhiều đường và tinh bột, khuyến khích cho bé ăn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe răng miệng như rau củ, trái cây, ngũ cốc,...

  • Có thể tham khảo ý kiến ​​nha sĩ để bổ sung khoáng chất Fluoride cho trẻ bằng nước uống có chứa Fluoride.

  • Cho bé đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.

 

Hy vọng với những thông tin chi tiết về bệnh lý sâu răng trẻ em, bố mẹ đã có thể hiểu được các nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa sâu răng cho bé hiệu quả. Từ đó giữ gìn sức khỏe răng miệng cho trẻ thật tốt và tránh những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của cơ thể.

4.2/5 (42)
Chuyên Gia Răng Miệng không chỉ đơn thuần là địa chỉ để khách hàng mua sắm các sản phẩm liên quan đến răng miệng, mà quan trọng hơn là mang đến những giải pháp chuyên sâu từ đội ngũ Bác sĩ cố vấn. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng toàn diện cho từng cá nhân và gia đình.
Wiki Nha Khoa