Chuyên Gia Răng Miệng 08/08/2022
Răng ố vàng là hiện tượng răng ngả màu theo thời gian, từ màu trắng sang màu vàng hoặc nặng hơn có thể là màu nâu đen, hiện tượng này xảy ra đầu tiên ở lớp men răng, tiếp theo là đến ngà và tủy răng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, sau đây là một số nguyên nhân cụ thể:
Vệ sinh răng miệng kém: Đây là nguyên nhân điển hình khiến cho răng bị ố vàng. Thức ăn thừa, mảng bám không được vệ sinh sạch sẽ, dần tích tụ trên răng và khiến cho răng dần mất đi độ trắng sáng, ngả vàng. Mảng bám cao răng lâu dần sẽ chuyển sang màu nâu đen, làm mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Do đồ ăn, thức uống: Trà, cà phê, nước ngọt, bánh ngọt, rượu vang, socola... đều là những thực phẩm đậm màu và có chứa một số thành phần hóa học như chromogen, axit tannic, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho men răng, tăng nguy cơ khiến răng bị nhiễm màu, ố vàng.
Do hút thuốc lá: Phần lớn những người hút thuốc lá, đặc biệt là người hút lâu năm đều gặp tình trạng răng ố vàng hoặc đen sậm. Bởi vì trong thuốc lá có chứa hoạt chất nicotin, đây là thành phần khiến cho răng bị nhiễm màu vàng nhạt và khó có thể tẩy sạch bằng cách đánh răng thông thường. Chưa kể, khói thuốc còn tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong khoang miệng, gây khô miệng và dẫn tới sự hình thành mảng bám vôi răng ố vàng.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh như Tetracycline, Histamine, Albuterol, Doxycycline,… nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao sẽ gây thiểu sản men răng và khiến răng bị đổi màu sang vàng, nâu hoặc xám xanh. Trường hợp răng nhiễm kháng sinh nặng hơn còn có thể bị mất đi hình dạng ban đầu. Ngoài ra, một số loại thuốc khác như thuốc dị ứng, thuốc chống rối loạn kinh và điều trị huyết áp cũng làm tăng nguy cơ đổi màu răng.
Nhiễm Fluor: Nếu răng tiếp xúc liên tiếp với nồng độ Fluor cao, sẽ dẫn đến men răng có hàm lượng khoáng chất thấp và tăng độ xốp. Nhiễm Fluor nhẹ, bề mặt răng sẽ xuất hiện các mảng màu trắng đục hoặc xám khiến cho độ trắng của răng không đồng đều. Trường hợp nhiễm Fluor nặng có thể gây ra các đốm hoặc lỗ màu nâu đen sâu bên trong ngà răng.
Do tuổi tác: Tuổi càng lớn thì màu sắc của răng sẽ chuyển sang đậm hơn và ngả màu vàng hơn vì tần suất tiếp xúc của răng với thức ăn ngày càng nhiều khiến cho lớp men răng bị bào mòn, mỏng dần đi, làm lộ ngà răng.
Một số nguyên nhân khác: Cao răng, vôi răng, bẩm sinh di truyền, bệnh lý răng miệng, bệnh tật, chấn thương răng,...
Đối với trường hợp răng đã bị ố vàng nặng, mảng bám cứng đầu lâu năm thì các phương pháp làm trắng răng tại nhà đơn giản thông thường sẽ không mang lại hiệu quả thực sự hoặc chỉ cải thiện được một phần nhỏ. Sau đây là tổng hợp những cách tẩy trắng răng ố vàng lâu năm thông dụng trên thị trường hiện nay.
Đây là kỹ thuật nha khoa khá đơn giản, thực hiện nhanh chóng và thường được áp dụng trong các trường hợp như: răng khỏe mạnh, không bị mài mòn và có màu ố vàng do vệ sinh răng miệng sai cách, ăn uống nhiều thực phẩm có màu, hút thuốc lá, vôi răng nhiều…
Cách tẩy trắng răng ố vàng tại nha khoa thường sử dụng tia Laser ở các bước sóng khác nhau, tạo nên phản ứng hóa học để bẻ gãy các phân tử gây ố vàng răng, lấy lại sắc răng trắng sáng, đều màu. Đồng thời kết quả có thể duy trì độ trắng sáng lâu dài cho răng từ 3 - 4 năm.
Chi phí thực hiện cho 1 lần tẩy trắng răng tại nha khoa khoảng từ 2 - 3 triệu đồng.
Dán răng sứ là phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng răng ngả màu lâu năm hoặc nhiễm màu kháng sinh nhẹ.
Mặt dán sứ là vật liệu có dạng vỏ mỏng, độ dày chỉ 0,3 - 0,5mm nên sẽ mài rất ít men răng. Nó được gắn vào mặt ngoài của răng để che đi các khiếm khuyết về hình thể cũng như màu răng ố vàng, giúp răng đều đẹp và trắng sáng hơn.
Bên cạnh đó, màu sắc của mặt dán sứ khá tự nhiên, sống động nên bạn không cần lo lắng sẽ bị lộ răng giả.
Chi phí để dán sứ sẽ dao động từ 6 - 12 triệu đồng/răng.
Bọc răng sứ cũng là kỹ thuật giúp phục hình răng về cả hình dáng và màu sắc tương tự như dán sứ. Đây là cách làm trắng răng bị ố vàng lâu năm do nhiễm màu kháng sinh quá nặng hoặc đục màu do răng sâu, viêm tủy,...
Bác sĩ sẽ tiến hành mài đi lớp men răng thật bên ngoài theo tỷ lệ phù hợp rồi dùng mão sứ phục hình cố định lên trên. Mão sứ được chế tác theo đúng dấu răng của từng người để khớp với răng thật. Mão sứ có màu sắc trắng sáng tự nhiên với nhiều mức giá khác nhau phù hợp với từng loại sứ, dao động từ 1 - 3 triệu đồng/răng sứ kim loại và 4 - 10 triệu đồng/răng toàn sứ.
Cách tẩy trắng răng bị ố vàng tại nhà là những biện pháp đơn giản, dễ dàng thực hiện ngay tại nhà và tiết kiệm chi phí hơn để cải thiện màu răng trắng sáng, phù hợp với những trường hợp răng bị xỉn màu, ố vàng nhẹ, những vết ố mới, mặt ngoài men răng, răng bị ố vàng bởi các yếu tố bên ngoài.
Đây là phương pháp đang được khá nhiều người áp dụng bởi cách thực hiện đơn giản, thời gian linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nó chỉ hiệu quả với những trường hợp răng ố vàng nhẹ và xuất phát từ các nguyên nhân như thói quen ăn uống, tuổi tác… Hoặc dành cho ai có nhu cầu làm răng sáng bóng hơn.
Ngoài ra, để sử dụng máng tẩy trắng răng tại nhà cần có sự kiểm soát của bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng của bạn xem có phù hợp để dùng máng tẩy hay không. Đồng thời sẽ lấy dấu để thiết kế máng ngậm riêng theo dấu hàm và chọn cho bạn nồng độ thuốc tẩy trắng răng phù hợp.
Chi phí cho phương án này sẽ dao động từ 1-2 triệu đồng.
Máy làm trắng răng sử dụng công nghệ ánh sáng kết hợp chất chất gel đặc biệt để làm suy yếu liên kết của các mảng bám ố màu trên răng, loại bỏ nhanh các vết bẩn, giúp cho bề mặt răng trở nên trắng sáng qua từng ngày sử dụng.
Máy có thiết kế nhỏ gọn, đơn giản, dễ mang theo để sử dụng bất cứ đâu.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kem đánh răng trắng răng với các thành phần chính như sodium polyphosphate, hydroxyapatite, flouride... giúp loại bỏ những mảng bám có màu dính trên răng, đồng thời ngăn ngừa vết ố quay trở lại.
Đánh răng 2-3 lần mỗi ngày với loại kem đánh răng trắng răng phù hợp là biện pháp làm trắng răng đơn giản nhất và tiện lợi nhất để sở hữu hàm răng trắng sáng tự nhiên.
Ngoài kem đánh răng trắng răng thì bột tẩy trắng răng cũng là một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng hiện nay để giúp răng bật tone trắng sáng. Bột tẩy trắng răng có chứa nhiều thành phần có tác dụng tẩy trắng mạnh: baking soda, than hoạt tính, trà xanh, bạc hà, đất sét bentonite,...
Cách thực hiện: Làm ướt bàn chải rồi vẩy cho bớt nước, sau đó chấm nhẹ bàn chải vào bột và chải răng như bình thường, sau cùng là súc miệng lại với nước sạch.
Lưu ý cần sử dụng bột tẩy trắng răng cẩn thận và đúng cách để đảm bảo an toàn cho men răng. Tốt nhất là với tần suất khoảng 2-3 lần/tuần (ngưng sử dụng nếu bị xảy ra kích ứng).
Miếng dán trắng răng là phương pháp làm trắng răng nổi lên trong thời gian gần đây và được rất nhiều người lựa chọn sử dụng nhờ giá thành rẻ, cách dùng đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà, đặc biệt giúp mang lại hiệu quả làm trắng nhanh chóng.
Miếng dán làm trắng răng có thành phần hóa học như hydrogen peroxide, carbamide peroxide, dùng tẩy trắng răng thông qua quá trình oxy hóa làm phá vỡ các phân tử làm ố màu răng.
Cách sử dụng miếng dán trắng răng vô cùng đơn giản, chỉ cần gỡ bỏ lớp keo dán và dán cố định lên răng theo thời gian hướng dẫn (tránh tiếp xúc với nướu). Lưu ý nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chính hãng từ những thương hiệu uy tín như Oral B, Crest, Viva White…
Nếu tình trạng răng ố vàng xuất phát từ những nguyên nhân như ăn uống, thói quen xấu trong sinh hoạt, vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng thì bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục bằng những mẹo làm trắng răng dân gian với những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong căn bếp của bạn như: muối, chanh, baking soda, dầu dừa, mật ong, cà chua, lá ổi, giấm táo,...
Phương pháp làm trắng răng này sẽ không tốn quá nhiều chi phí và rất tiện lợi để bạn chủ động thời gian thực hiện tại nhà, tuy nhiên cần kiên trì thực hiện một khoảng thời gian nhất định thì mới thấy được hiệu quả làm trắng trên răng.
Để ngăn ngừa răng bị xỉn màu, chuyển màu ố vàng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bạn nên bắt đầu xây dựng cho mình một chế độ chăm sóc răng miệng khoa học và từ bỏ những thói quen xấu. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp cụ thể sau:
Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ là rất quan trọng. Ngoài việc đánh răng, bạn nên sử dụng thêm chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để loại bỏ toàn bộ thức ăn thừa mắc trong kẽ răng. Kết hợp dùng nước súc miệng để làm sạch các chất màu, cũng như mảng bám trên răng tốt hơn.
Khám răng và cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần để loại bỏ những mảng bám cứng đầu, dễ gây ố vàng răng.
Uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng cũng như các chất màu bám trên răng cũng là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế răng ố vàng.
Nên sử dụng các loại thực phẩm giúp cho màu răng trắng sáng hơn như: Các loại rau xanh (cải xoăn, cần tây, bông cải xanh, rau chân vịt…), trái cây tươi (dâu tây, chuối, táo, mận, lê…), các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, óc chó…
Hạn chế sử dụng những thực phẩm, thức uống sậm màu, làm tăng nguy cơ vàng răng như trà, cà phê, nước ngọt có ga, rượu vang đỏ…
Bỏ hút thuốc lá để không gây hại đến men răng và gây xỉn màu răng.
Hy vọng qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết, bạn đọc sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng răng nhiễm ố vàng và có thêm thật nhiều cách làm trắng răng bị ố vàng trang bị bên người để giữ cho răng luôn được trắng sáng, đều màu, một nụ cười tự tin.
Bài Viết Tham Khảo
How To Whiten Your Yellow Teeth: 3 Options To Consider
15 Ways to Get Perfect White Teeth | The Secret to White Teeth